Ngoại giao với Bắc triều Lý Cảnh (Nam Đường)

Mùa xuân năm 947, quân Khiết Đan xâm lược Trung Nguyên, tiêu diệt Hậu Tấn. Liêu Thái Tông Da Luật Đức Quang tự xưng hoàng đế ở Trung Nguyên. Lý Cảnh viết thư chúc mừng hoàng đế Khiết Đan, đồng thời cũng vì việc Lý Biện xưng là con cháu của nhà Đường, nên ông muốn sai người đến trông nom lăng tẩm các hoàng đế Đường. Thái Tông hoàng đế không theo, nhưng cũng cử sứ giả xuống nam đáp lễ. Lúc đó, nhiều đại thần Hậu Tấn không muốn thần phục người Khiết Đan nên đào thoát đến Nam Đường, và các thủ lĩnh nông dân ở miền bắc sông Hoài, sát biên giới Đường - Tấn cũng nguyện xưng thần với Nam Đường. Đại thần Hàn Hi Tái đề nghị rằng Nam Đường nên đưa quân bắc phạt thì có thể thu phục Trung Nguyên, nhưng vì lúc đó binh lực trong nước đều đổ dồn cho chiến trường Phúc châu nên không thể tiến hành được, khiến cho Lý Cảnh vô cùng tiếc núi.[28] Khi Lý Cảnh được tin quân Khiết Đan từ bỏ Đại Lương rút về phương bắc, ông đã muốn bắc phạt, để cho Lý Kim Toàn thống lĩnh quân. Tuy nhiên khi quân Đường còn chưa ra khỏi lãnh thổ thì tướng nước Tấn là Lưu Tri Viễn đã chiếm được Đại Lương và xưng hoàng đế Hậu Hán, Lý Cảnh không dám dương đầu với Lưu Tri Viễn, nên cho quân lui về.[31]

Đầu năm 948, Lưu Tri Viễn chết, con trai là Lưu Thừa Hựu lên nối ngôi,[31] tướng Hậu HánLý Thủ Trinh nổi loạn tại Hà Trung [32], sai sứ cầu viện Nam Đường. Lý Cảnh sai Lý Kim Toàn bắt phạt. Quân Lý Kim Toàn tiến vào lãnh thổ Hậu Hán, đến Nghi châu[33], nhưng do Hà Trung ở khá xa, muốn đến phải vượt qua đất Hậu Hán và quân Nam Đường không có tinh thần chiến đấu, Lý Kim Toàn phải rút quân về. Lý Cảnh viết thư cho Lưu Thừa Hựu để xin lỗi, xin hoàng đế Hậu Hán tha thứ cho Lý Kim Toàn và nối lại quan hệ thông thương. Hán đế không đáp lại. Không lâu sau đó, Lý Kim Toàn bị tướng Hậu HánQuách Uy đánh bại.[34] Đến năm 951, Quách Uy lấy ngôi vua, lập ra Hậu Chu.

Đầu năm 952, tướng Hậu ChuMộ Dung Ngạn Siêu (em cùng mẹ với Hậu Hán Cao Tổ Lưu Tri Viễn) khởi binh chống lại Hậu Chu, sai người cầu viện Nam Đường. Tuy nhiên, quân cứu viện Nam Đường bị Hậu Chu đẩy lùi, không lâu sau Ngạn Siêu bị đánh bại. Quách Uy trao trả tù binh Nam Đường Yến Kính Quyền, và để đáp lại, Lý Cảnh trả lại các tướng Trung Nguyên bị Giang Nam bắt được khi trước.[35]

Sử sách ghi nhận Lý Cảnh ưa chuộng văn học, và vào lúc này, các văn sĩ đổ dồn về Nam Đường, khiến nơi này trở thành trung tâm văn học lớn nhất Trung Quốc thời đó. Tuy nhiên, triều đình lại không tổ chức khoa cử tuyển quan. Năm 952, Lý Cảnh hạ chiếu khôi phục khoa cử, cử Giang Văn Úy phụ trách. Nhà vua hỏi rằng khoa cử này so với chế độ khoa cử thời Đường (Nam Đường nhận nhà Đường là tổ tiên của mình), Văn Úy trả lời,:"Vào lúc tiền triều, một nửa số người đỗ đạt được bổ dụng đúng theo tài năng của chúng, nửa kia đỗ đạt là do lòng yêu ghét cá nhân. Hạ thần thì chỉ lấy tài năng mà bổ dụng." Lý Cảnh đẹp lòng, nhưng đại thần Trương Vĩ, người từng đỗ đạt dưới thời Đường, biết được chuyện đó, rất bất bình với Giang Văn Úy, và bắt đầu lan truyền lời dị nghị về khoa cử. Hơn thế nữa, các đại thần thân tín trong triều cũng không xuất thân từ khoa cử, và do đó cũng không tán thành. Vì thế khoa cử bị bãi bõ.[35]